KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO 

Việc Cầu Nguyện trong Đời Sống Kitô Giáo

 

 

MẠC KHẢI CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN 

 

TRONG CỰU ƯỚC

 

504.“Cầu nguyện là việc nâng trí khôn và tấm lòng lên cùng Thiên Chúa hay là việc kêu cầu Thiên Chúa những điều lành thánh” (Thánh Gioan Mamascênô, De Fede Outh. 3, 24: PG 94, 1089C). (2590)

 

505.Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mỗi người đến với Ngài qua cuộc gặp gỡ huyền nhiệm này. Trải suốt giòng lịch sử cứu độ, cầu nguyện như là lời Thiên Chúa và con người gọi nhau. (2591)

 

506.Việc cầu nguyện của Abraham và của Giacóp tỏ ra cho thấy như là một trận chiến đức tin, được đánh dấu bằng một lòng tin tưởng nơi việc trung thành của Thiên Chúa, cũng như được đánh dấu bằng một lòng vững vàng là sẽ chiếm được phần thắng hứa hẹn cuối cùng. (2592)

 

507.Việc cầu nguyện của Moisen đáp lại việc Thiên Chúa hằng sống khởi công cứu độ dân của Ngài. Nó tiên báo việc chuyển cầu của vị trung gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. (2593)

 

508.Việc cầu nguyện của Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, nhất là của Vua Đavít và của các tiên tri, đã vươn lên từ bóng của nơi Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất là hòm bia và Đền Thờ. (2594)

 

509.Các vị tiên tri đã kêu gọi dân hoán cải cõi lòng, và trong khi nhiệt thành tìm kiếm nhan Thiên Chúa, như trường hợp tiên tri Êlia, các vị dâng lời chuyển cầu cho dân. (2595)

 

510.Các Thánh Vịnh đã cấu tạo nên một tuyệt phẩm cầu nguyện trong Cựu Ước. Các Thánh Vịnh cho thấy hai tính chất bất khả phân ly là cá nhân và cộng đồng. Các Thánh Vịnh bao gồm tất cả mọi chiều kích lịch sử, nhắc lại các lời Thiên Chúa hứa đã được nên trọn và trông đợi việc Đấng Thiên Sai đến. (2596)

 

511.Được Chúa Kitô dùng để cầu nguyện và làm hoàn tất, các Thánh Vịnh trở thành một yếu tố chính yếu và thường xuyên của việc Giáo Hội cầu nguyện. Các Thánh Vịnh thích hợp với con người trong mọi cảnh sống và mọi thời gian. (2597)

 

 

TRONG THỜI GIAN VIÊN TRỌN

 

512.Việc cầu nguyện theo tình con cái của Chúa Giêsu là mô thức cầu nguyện hoàn hảo trong Tân Ước. Việc Chúa Giêsu cầu nguyện thường được thực hiện trong thanh vắng và âm thầm, có chất chứa một tấm lòng yêu mến gắn bó với ý muốn của Chúa Cha, dù phải chấp nhận Thập Giá, và cả một lòng tin tưởng sẽ được nhận lời. (2620)

 

513.Theo giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng một tấm lòng thanh sạch, bằng một đức tin sống động và kiên trì, bằng một lòng bạo dạn với tình con cái. Người kêu gọi các vị hãy tỉnh thức và mời gọi các vị hãy nhân danh Người mà kêu xin cùng Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu Kitô cũng đáp lại các lời cầu xin cùng Người. (2621)

 

514.Qua tiếng Xin Vâng và ca vịnh Ngợi Khen, lời cầu nguyện của Trinh Nữ Maria có đặc tính quảng đại hiến toàn thân mình trong đức tin. (2622)

 

 

TRONG THỜI CỦA GIÁO HỘI

 

515.Chúa Thánh Thần là Đấng dậy dỗ Giáo Hội và nhắc lại cho Giáo Hội tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, cùng hướng dẫn Giáo Hội sống đời cầu nguyện, bằng cách gợi lên những cách diễn tả mới, theo cùng một thể thức cầu nguyện thường xuyên là chúc tụng, nguyện xin, chuyển cầu, tạ ơn và ngợi khen. (2644)

 

516.Vì Thiên Chúa chúc phúc cho tâm hồn con người nên nó mới có thể chúc tụng Đấng là nguồn mọi phúc lành. (2645)

 

517.Đối tượng của việc cầu nguyện xin ơn là được tha thứ, được Nước Trời và mọi nhu cầu đích thực. (2646)

 

518.Việc chuyển cầu nguyện xin hệ tại việc xin ơn cho người khác. Việc cầu nguyện này không có giới hạn và bao gồm cả các kẻ thù nghịch. (2647)

 

519.Mọi niềm vui và nỗi khổ, mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành việc tạ ơn, một việc khi được thông phần vào việc tạ ơn của Chúa Kitô thì nó lan khắp cả đời sống con người: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (Thư Một gửi giáo đoàn Thessalônica 5:18). (2648)

 

520.Cầu nguyện ngợi khen là việc hoàn toàn vô tư dâng lên Thiên Chúa, chúc tụng Ngài và tôn vinh Ngài vì chính bản thân Ngài, hoàn toàn không phải tại những gì Ngài đã làm mà chỉ vì NGÀI LÀ. (2649)